Ngành dệt may được đánh giá là một trong những lĩnh vực có những tác động lớn nhất sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực.
Để tận dụng được ưu đãi mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành dệt may của Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các quy định chung; trong đó, quy định về xuất xứ hàng hóa là thách thức lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp dệt may.
Không chỉ là cơ hội
Theo các chuyên gia trong ngành dệt may, nếu tất cả các FTA hiện nay và sắp tới của Việt Nam chính thức có hiệu lực, khoảng 80% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam tới Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế quan, tạo lợi thế đáng kể so với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác.
Thực tế, đã có một luồng đầu tư mạnh mẽ từ những nhà đầu tư trong và ngoài nước để thiết lập chuỗi cung ứng khép kín từ sợi tới may. Tuy nhiên, theo bà Đặng Phương Dung, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai. Hầu hết các địa phương từ chối các dự án đầu tư sản xuất vào dệt nhuộm do lĩnh vực này gây ô nhiễm môi trường.
'Việt Nam cần một quy hoạch phát triển dệt nhuộm tại các địa phương thích hợp. Việc hình thành những cụm công nghiệp dệt nhuộm sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm thiểu chi phí, giải quyết phần nào bài toán về nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam,” ông Nguyễn Hồng Giang nhấn mạnh.