(Tổ Quốc) - SCMP cho rằng: Trong khi nhiều người vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn cho Việt Nam - một nền kinh tế đã trở thành điểm đến nóng của cuộc di cư sản xuất vì chiến tranh thương mại, thì việc phụ thuộc vào Trung Quốc cũng vẫn là một mối nguy với Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn.
Ngoài nhà máy tại Hà Nội, Sino sử dụng 1.500 lao động tại một nhà máy ở TP.HCM, cùng 3 nhà máy khác ở Trung Quốc và Indonesia, sản xuất bao bì cho hàng điện tử cho hai trong số năm công ty điện tử lớn nhất thế giới. Nhưng với nguyên vật luyện thô phải nhập từ Trung Quốc, các nhà máy ở Việt Nam dự kiến sẽ hết các bộ phận trong những tuần và tháng tới.
"Nếu các công ty như Flextronics và Apple không thể sản xuất sản phẩm, thì họ cũng đâu cần đóng gói. Doanh số tháng 2 của công ty tôi sẽ tụt thảm hại. Chúng tôi hy vọng các đơn hàng sẽ quay trở lại vào tháng 5 hoặc tháng 6, nhưng hiện tại vẫn chưa chắc chắn. Chúng tôi không đến mức bị đình trệ hoàn toàn, chúng tôi sẽ xem tình hình cuối tháng 3 ra sao, nhưng tất cả phụ thuộc vào việc các nhà máy ở Trung Quốc có mở cửa trở lại hay không" - Stuart Donegan, giám đốc Sino cho biết.
Bên cạnh đó, sự ổn định của tiền đồng so với USD từ đầu năm đến nay làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. VND đã đi ngang kể từ đầu năm 2019 (+0,1% so với đầu năm tính tại ngày 13/11/2019), trong khi đồng nội tệ của các nước đối thủ (như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan) mất giá mạnh hơn trong 9T2019. Vì vậy, sự mạnh lên của tiền đồng so với các quốc gia đối thủ cũng khiến xuất khẩu của Việt Nam phần nào gặp bất lợi.
Cùng với hàng tấn thanh long và đu đủ đang tắc nghẽn vì cửa khẩu với Trung Quốc bị đóng, các nhà máy sản xuất hàng may mặc cũng không nhập vải từ Quảng Đông. Các dây chuyền lắp ráp điện tử cũng không thể thay thế nguồn cung hiện tại bằng một nguồn khác. Đây chính là cú hích lớn mà Việt Nam đang phải chịu vì dịch coronavirus tác động đến chuỗi cung ứng toàn châu Á.
Trong khi nhiều người vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn cho Việt Nam - một nền kinh tế đã trở thành điểm đến nóng của cuộc di cư sản xuất vì chiến tranh thương mại, thì việc phụ thuộc vào Trung Quốc cũng vẫn là một mối nguy với Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn.
Khoảng 30% linh kiện được sử dụng trong hoạt động sản xuất của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng chiếm 20% hàng xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam, trong khi khoảng 32% khách quốc tế vào Việt Nam đến từ đại lục.
Giám đốc chuỗi cung ứng cho một công ty thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam - người vì sự nhạy cảm của vấn đề, muốn giấu tên - nói với SCMP rằng các công ty đa quốc gia lớn mà ông làm việc cùng, đã cảnh báo rằng họ có thể hết nguồn cung vào giữa tháng 3, vì họ không thể lấy nguồn từ Trung Quốc.
"Trong ngành kinh doanh hàng may mặc, nguyên liệu thô thường đến từ Trung Quốc", ông Szeto, người làm việc với các đối tác sản xuất tại Việt Nam cho biết. "Vì vậy, nếu các nhà máy vải và nhà sản xuất phụ kiện ở Trung Quốc không thể quay lại hoạt động, thì công nhân Việt Nam và Bangladesh cũng sẽ đứng ngồi không yên. Ngay cả khi các nhà máy sản xuất Trung Quốc hoạt động trở lại, sản xuất ở Việt Nam vẫn có thể bị đình trệ một tháng".
Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh tuần trước cho thấy 70% thành viên hoạt động trong ngành sản xuất của họ đang hoạt động với công suất 70% trở lên, 17% thành viên hoạt động ở mức công suất 50-70% và 13% hoạt động dưới một nửa công suất bình thường.
Hoàng An
Theo TTVN TOQUOC