Dệt may là ngành có chu kỳ sản xuất ngắn, nhu cầu rất nhạy với thu nhập và việc làm nên không thể có một dự báo dài hạn cho cả năm, trong điều kiện kinh tế bất định.
Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, khó có thể đưa ra dự báo dài hạn trong cả năm với ngành dệt may.
Đó là chia sẻ của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) khi đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh khó khăn của ngành giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023.
Giai đoạn này, không chỉ ngành dệt may gặp khó mà các ngành xuất khẩu khác cũng không ngoại lệ, bởi nhu cầu tiêu dùng của thế giới đột ngột giảm sút do kinh tế suy giảm. Đây là giai đoạn mang tính chất ngắn hạn, do đó, cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn để có giải pháp đúng.
Từ quan điểm này, ông Trường nêu: "Đối với ngành dệt may, phải làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi trong chuỗi cung ứng, giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường".
Cùng với giải pháp trọng tâm để giữ được hai tài sản chiến lược về lao động; giữ được đối tác tên tuổi trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần tập trung cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí, đổi mới công nghệ, tự động hóa, đầu tư sản xuất theo nhu cầu và đòi hỏi từ các nhà nhập khẩu lớn tại Mỹ, EU...
Theo ông Trường, trước yêu cầu về xanh hóa sản xuất, sản phẩm bền vững, Vinatex tập trung vào sản xuất nguyên liệu xanh để tiến tới sản xuất hàng may mặc có thể sử dụng nhiều lần, dễ tái chế, quá trình sản xuất giảm thiểu tác động đến môi trường.
Trong 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã tăng sản xuất sợi từ bông organic, các nhà máy sản xuất nguyên liệu được trang bị điện mặt trời để đáp ứng tiêu chuẩn 20% năng lượng sử dụng trong nhà máy là năng lượng xanh.., chuẩn bị cho những năm tới, doanh nghiệp phải lập báo cáo kiểm toán độc lập liên quan đến phát triển bền vững khi tham gia vào chuỗi cung ừng toàn cầu.
Chủ tịch Lê Tiến Trường cũng cho rằng, ngành dệt may bắt buộc phải chuyển đổi sản xuất hướng đến xanh hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các nhà mua hàng, phải đổi mới bứt phá để giữ vị thế Top 3 xuất khẩu lớn trên thế giới.
"Năm 2023 ngành dệt may sẽ xấu hơn năm 2022. Nếu suy thoái kinh tế thế giới thì năm 2024 còn xấu hơn 2023. Dệt may là ngành có chu kỳ sản xuất ngắn, nhu cầu rất nhạy với thu nhập và việc làm trên thế giới nên không thể có một dự báo dài hạn cho cả năm, trong điều kiện kinh tế bất định như hiện nay", ông Trường dự báo.
Năm 2022, trước nhiều khó khăn cả trong lẫn ngoài, nhưng ngành dệt may vẫn cán đích mục tiêu đặt ra từ đầu năm với kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8%, đạt 43-44 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất với hơn 18 tỷ USD, Hàn Quốc là 4,2 tỷ USD, Nhật Bản là 3,9 tỷ USD, Trung Quốc là gần 3,9 tỷ USD…
Lúc này, báo cáo của các hiệp hội ngành hàng, đơn hàng xuất khẩu cho đầu năm 2023 của nhiều ngành chủ chốt trong đó có dệt may đã giảm rất sâu do bị ảnh hưởng bởi lạm phát và suy thoái, hàng tồn kho cũng gia tăng Ước sụt giảm đơn hàng trong ngành dệt may trong cả quý 1/2023 với mức giảm bình quân 20-27%
Do đó, năm 2023, ngành dệt may đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng.
Với dự báo tổng cầu dệt may thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý 3 và quý 4 năm sau, ngành dệt may kỳ vọng kịch bản xuất khẩu thuận lợi cả năm 2023 có thể đạt 47 - 48 tỷ USD, tức là duy trì mức tăng trưởng khoảng 8%. Ở kịch bản kém tích cực hơn, xuất khẩu đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD.
Theo Thế Hải (baodautu.vn)
Link bài viết: https://baodautu.vn/dai-han-thi-chua-ro-nhung-nam-2023-nganh-det-may-se-kho-hon-nam-nay-d180599.html#:~:text=%22N%C4%83m%202023%20ng%C3%A0nh%20d%E1%BB%87t%20may,%22%2C%20%C3%B4ng%20Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20d%E1%BB%B1%20b%C3%A1o.