Bức tranh ngành dệt may quý 3: Ngành sợi gặp khó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng

05/03/2020 , 12:34

                                          

Dệt may là một trong những ngành tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt là có thêm nhiều thông tin hỗ trợ từ việc ký các hiệp định thương mại. Thậm chí cả ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến cho xu hướng dịch chuyển sản xuất hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo Statista, nhu cầu hàng may mặc thế giới sẽ đạt 1.650 tỷ USD vào năm 2020, doanh thu hàng may mặc tại một số thị trường lớn như Mỹ đạt 334,2 tỷ USD (tăng 2,5%)... Trong khi đó khoảng 90% sản xuất dệt may của Việt Nam là phục vụ xuất khẩu. Thị phần dệt may xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng mạnh từ 2,9% năm 2010 lên 5,6% vào năm 2017.

Ngành sợi gặp nhiều khó khăn

Tuy nhiên, không chỉ có thuận lợi, chính chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng khiến ngành dệt may Việt Nam gặp khômg ít khó khăn. Trung Quốc là thị trường chính của ngành sợi Việt Nam, chiếm hơn 67% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do vậy việc Mỹ áp thuế lên các mặt hàng sợi và vải Trung Quốc cũng ảnh hưởng lớn đến ngành sợi trong nước.

Theo ông Cao Hữu Chiến, Giám đốc điều hành của Vinatex (VGT), cách ứng phó hiệu quả nhất hiện nay là tham gia chuỗi cung ứng, chuẩn bị tốt để đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang.

Kết quả kinh doanh, doanh thu riêng quý 3 của Vinatex giảm 17,8% so với cùng kỳ, đạt 4.152 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 12,9%, còn gần 186 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 118 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận của Vinatex giảm sút.

Còn tính chung 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu Vinatex đạt 13.482 tỷ đồng, giảm 6,4% còn lợi nhuận sau thuế đạt 534 tỷ đồng, giảm đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận sua thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt 340 tỷ đồng.

Trong bản giải trình về kết quả kinh doanh của Vinatex cũng cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thị trường chung, đặc biệt là các đơn vị sản xuất sợi. Trên thị trường, cổ phiếu VGT cũng giảm mạnh về vùng đáy của hơn 1 năm trở lại đây, duy trì giao dịch dưới mệnh giá từ cuối tháng 7 vừa qua.

Cũng là doanh nghiệp ngành sợi, Sợi Thế Kỷ (STK) công bố doanh thu quý 3 giảm 6% so với cùng kỳ, đạt 554 tỷ đồng. Công ty cho biết nguyên nhân doanh thu giảm do thị trường các mặt hàng truyền thống (sợi nguyên sinh) của Công ty tiêu thụ chậm lại và giá bán sợi nguyên sinh giảm so với cùng kỳ - chủ yếu là tác động hàng bán phá giá từ Trung Quốc sang Việt Nam và các thị trường lân cận. Bù lại, Công ty đã linh hoạt sản xuất và tiêu thụ tăng thêm các sản phẩm mới là hàng tái chế Recycle làm cho doanh thu sản phẩm này tăng lên khá mạnh, (tăng 122,4% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó công ty cũng tiết giảm tối đa chi phí, dẫn tới lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trường 10,3% so với cùng kỳ, đạt hơn 51 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu Sợi Thế Kỷ đạt 1.653 tỷ đồng, giảm 7% còn lợi nhuận sau thuế tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 161 tỷ đồng.

"Ông lớn" thời trang công sở nam vẫn có lợi nhuận sụt giảm

Một "đại gia" có tiếng khác trong ngành may mặc là May Việt Tiến cũng vừa trải qua quý 3 với kết quả kinh doanh giảm sút. Doanh thu trong quý đạt 2.512 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế giảm 8%, còn 116 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu Việt Tiến đạt 6.418 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ còn lợi nhuận say thuế đạt gần 293 tỷ đồng, giảm 16,4%. Tuy vậy, do đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 thấp, nên May Việt Tiến đã hoàn thành 93% kế hoạch lợi nhuận được giao cho cả năm.

May Việt Tiến là thương hiệu thời trang lâu đời tại Việt Nam, công ty hoạt động chính trong phân khúc thời trang công sở dành cho nam giới.

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ

Trái với Việt Tiến, một doanh nghiệp may mặc thời trang khác là TNG vừa báo lãi kỷ lục hơn 81 tỷ đồng trong quý 3, tăng 28% so với cùng kỳ. Doanh thu cũng tăng 23%, đạt 1.526 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, TNG ghi nhận doanh thu 3.568 tỷ đồng – tăng 31% và lợi nhuận sau thuế đạt 174 tỷ đồng – tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

TNG ngoài may trang phục, còn có các nhãn hàng thời trang, và gia công cho các nhãn thời trang lớn. TNG cho biết ngay từ đầu năm công ty đã đặt mục tiêu tái cơ cấu lại khách hàng, tập trung vào các khách hàng lớn có thương hiệu và uy tín, do vậy doanh thu tiêu thụ quý 3 và cả năm nay đều tăng so với cùng kỳ.

Những doanh nghiệp có lợi nhuận quý 3 tăng trưởng so với cùng kỳ còn phải kể đến May Sông Hồng (MSH), Tổng công ty Phong Phú (PPH), May mặc Bình Dương (BDG). Trong đó May Sông Hồng đạt 1.222 tỷ đồng doanh thu trong quý 3, và lợi nhuận sau thuế đạt gần 138 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Còn tính chung 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu thuần đạt 3.456 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt gần 357 tỷ đồng, tăng 30,7% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2018.

Trong khi đó doanh nghiệp có mảng kinh doanh gần giống với May Sông Hồng nhất là Everpia Việt Nam (EVE) lại có lợi nhuận quý 3 giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Loạt doanh nghiệp ngành dệt may khác trên sàn đều có lợi nhuận quý 3 giảm sút so với cùng kỳ. Điển hình có thể kể đến như Dệt may và Đầu tư Thành Công (TCM), như Garmex (GMC), như Dệt may Hòa Thọ (HTG), Hanoisimex (HSM) Tổng công ty Việt Thắng (VTV) hay Vải sợi may mặc Miền Bắc (TET). Thậm chí có những doanh nghiệp lỗ như Hanoisimex (HSM) hay Fortex (FTM).

Cái tên đáng chú ý: Đức Quân Fortex

Nhắc đến Fortex (CTCP Đầu tư phát triển Đức Quân – mã chứng khoán FTM) là nhà đầu tư lại có rất nhiều câu chuyện để nói. Trước hết là việc cổ phiếu FTM bất ngờ lao dốc từ vùng giá xấp xỉ 24.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 3.000 đồng/cổ phiếu đã khiến nhiều nhà đầu tư ngậm ngùi.

Kết quả kinh doanh, quý 3 vừa qua FTM lỗ tiếp 12,3 tỷ đồng, nâng tổng lỗ từ đầu năm 2019 lên trên 43 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp công ty báo lỗ.

Ngày 29/10 vừa qua Fortex đã tổ chức ĐHCĐ bất thường nhằm bầu bổ sung Thanh viên HĐQT, thông qua chủ trương tái cơ cấu công ty nhằm giúp công ty phát triển ổn định trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp dệt may cần giải quyết bài toán về nguồn nguyên liệu

Từng bước nâng cao thị phần dệt may ở thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang bỏ lỡ thị trường tiềm năng trong nước – tạo cơ hội cho các đối thủ nước ngoài chen chân vào. Tuy vậy, thị trường tiêu thụ nội địa lại là một thị trường khó tính, các doanh nghiệp trong nước muốn chiếm lĩnh trở lại thị trường này cần giải quyết bài toán về nguyên liệu, giá thành và mẫu mã sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc giải quyết nguồn nguyên liệu cũng một phần giúp các doanh nghiệp ngành dệt may chuyển dần từ gia công sang thiết kế, sản xuất. Theo ông Ron Dutta, Giám đốc nguồn nguyên liệu tại Châu Á của Garan Incorporated, nguyên liệu từ Việt Nam thường cao hơn 10% so với nguồn nguyên liệu cùng loại từ Trung Quốc.

Nguồn nguyên liệu của Việt Nam cũng đang rất hạn chế, và phải nhập khẩu, chủ yếu là bông. Các nhãn hàng lại đã có sẵn chuỗi cung ứng của họ, trong khi doanh nghiệp trong nước  chưa tham gia vào chuỗi này, hiện phần lớn các doanh nghiệp Việt đang dừng lại ở khâu gia công sản phẩm cho khách hàng.

Triển vọng năm 2019, ngành dệt may đặt ra mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỉ USD, trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam; đứng thứ hai là thị trường EU, khả năng chiếm 21,5% so với mục tiêu đặt ra là 20%.

Thạch Lâm

Theo Trí thức trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/chung-khoan/buc-tranh-nganh-det-may-quy-3-nganh-soi-gap-kho-van-con-nhieu-doanh-nghiep-co-loi-nhuan-tang-truong-42019241113501720.htm