Dịch do virus Corona: Doanh nghiệp tìm cách ứng phó với việc thiếu nguyên liệu sản xuất

05/03/2020 , 12:35

                                                                

Hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ nhận được đơn hàng ngắn hạn theo tháng và dài nhất là theo quý. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra ở Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam lo ngại sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới, đặc biệt là với các ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc như dệt may, cao su – nhựa…

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su Tp.Hồ Chí Minh cho biết, như thường lệ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong quý 1/2020 đã được các doanh nghiệp nhập khẩu từ cuối năm 2019, do đó vào thời điểm dịch nCoV bùng phát tại Trung Quốc đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đủ nguyên liệu duy trì hoạt động sản xuất bình thường.

Như vậy, trước mắt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng từ dịch bệnh trên.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của một số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã bắt đầu chịu tác động tiêu cực.

Những doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cao su, nhựa cung cấp cho các các dây chuyền lắp ráp ô tô, sản xuất máy móc ở nước ngoài đang gặp khó khi nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia có nhà máy, xưởng sản xuất ở Trung Quốc hoặc có nhập khẩu linh kiện của Trung Quốc tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cụ thể, do thiếu nguồn cung linh kiện từ thị trường Trung Quốc, hai hãng sản xuất ô tô Hàn Quốc là Hyundai và Kia đã đóng cửa tạm thời nhiều dây chuyền lắp ráp ô tô tại Hàn Quốc, kéo theo việc tạm ngừng nhập khẩu các linh kiện cao su, nhựa từ đối tác Việt Nam.

Trong khi đó, việc tìm kiếm khách hàng mới trong thời điểm này hầu như không khả thi bởi quy trình để một sản phẩm linh kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu rất khó khăn và mất nhiều thời gian thỏa thuận.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, nếu dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona không được kiểm soát sớm thì các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ đối diện với khó khăn lớn do có tới 80% nguyên liệu, hóa chất phục vụ ngành cao su – nhựa được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong trường hợp đến cuối tháng 2 các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc vẫn chưa hoạt động trở lại và các đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu không được giao nhận thì ngành cao su – nhựa buộc phải tính đến phương án nhập nguyên liệu thay thế từ Hàn Quốc hoặc châu Âu.

Tuy nhiên, giá nguyên liệu từ các thị trường này cao hơn nhiều so với Trung Quốc cộng thêm chi phí vận chuyển khá lớn và thời gian vận chuyển lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm cũng như kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.

Tương tự, doanh nghiệp ngành dệt may cũng bắt đầu lo thiếu nguyên liệu cho kỳ sản xuất trong quý 2/2020. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020 ngành dệt may được kỳ vọng sẽ phát triển thuận lợi nhờ triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho quý 2 hoặc cả năm 2020. Với, việc dữ trữ đủ nguyên liệu cho hoạt động sản xuất trong quý 1, trước mắt hoạt động sản xuất hàng dệt may vẫn được đảm bảo, khảo sát sơ bộ hoạt động xuất khẩu của các đơn hàng đặt trước vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, mới đây nhiều đối tác cung cấp nguyên phụ liệu dệt may tại Trung Quốc thông tin sẽ hoãn giao hàng xuất khẩu đến hết tháng 2/2020 khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ thiếu nguồn nguyên liệu cho các kỳ sản xuất kế tiếp.

Theo ông Hồng, Trung Quốc hiện là thị trường cung ứng nguyên phụ liệu lớn, chiếm từ 30 - 40% tổng lượng nguyên phụ liệu sản xuất hàng may mặc của Việt Nam.

Trong tình hình có thể thiếu nguyên liệu sản xuất trong quý 2, trước mắt các doanh nghiệp sẽ tìm cách ứng phó bằng cách chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong tháng 3 và tháng 4; đồng thời cũng thảo luận với khách hàng để tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu khác từ Malaysia, Ấn Độ...

"Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, vì hiện nay vẫn khó có nhà cung cấp nào có  thể thay thế được Trung Quốc. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hy vọng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra sẽ sớm được khống chế để chuỗi cung ứng, sản xuất quay lại quỹ đạo vốn có”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đề nghị các doanh nghiệp hội viên sớm báo cáo tác động của dịch viêm đường ho hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra lên hoạt động sản xuất kinh doanh để trình lên cấp trên tìm giải pháp tháo gỡ.

Đồng thời, hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp cập nhật thông tin thường xuyên về dịch bệnh và chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế nhằm duy trì hoạt động sản xuất theo đúng kế hoach đề ra.

https://bnews.vn/dich-do-virus-corona-doanh-nghiep-tim-cach-ung-pho-voi-viec-thieu-nguyen-lieu-san-xuat/147299.html